7 điều tôi ước tôi biết trước khi Homeschool cho con

Khi bạo lực học đường trở thành vấn nạn

Nạn bắt nạt, đánh nhau tại trường học cũng là lý do nhiều bố mẹ lo lắng và bắt đầu cho con học Homeschool. Jenny Lilienthal – một người mẹ sống tại Schoharie, New York đã bất an đôi chút khi gửi con trai út nhà mình – Josh, nhập học trường mới cùng với anh trai.

“Ban đầu thì mọi thứ có vẻ ổn, cho đến khi Josh bị lũ trẻ trong trường trêu chọc”. Điều đáng quan ngại ở đây là, quy định của nhà trường “nghiêm khắc” một cách vô lý.

Trường chủ trương không nhân nhượng với bắt nạt, nên đã yêu cầu tất cả những đứa trẻ liên quan phải lên phòng hiệu trưởng. Và Josh, mặc dù là nạn nhân, cũng phải nhận hình phạt tương đương những đứa trẻ ngỗ nghịch bắt nạt khác.

“Nhà trường vẫn thừa nhận rằng Josh không làm gì sai, em thậm chí còn không tự vệ khi bị bạn đánh”. Lần thứ 2 lặp lại, Josh tiếp tục nhận phê bình và bị điểm F trong tất cả các bài kiểm tra, lúc ấy Jenny biết đã đến lúc cô phải thay đổi môi trường cho con. Là một giáo viên tiểu học, cộng thêm tấm bằng đại học ngành Tâm Lý, Jenny cảm thấy đủ tự tin để chọn con đường “Homeschool” cho 2 đứa trẻ nhà mình.

Xu hướng Homeschool tại Mỹ đang ngày càng gia tăng rõ rệt. Giữa 2003 và 2012, số lượng trẻ độ tuổi từ 5 đến 17 được học tại nhà đã tăng 61.8%. Điều này cũng là hệ quả tất yếu cho nạn bắt nạn cấp ba tại quốc gia này. Ở Việt Nam mặc dù tình hình bắt nạt tại trường học có vẻ khả quan hơn, nhưng không có nghĩa là không có.

Xem thêm:

  • Bà mẹ 3 con chia sẻ kinh nghiệm cho con học Homeschool ở Việt Nam
  • Hơn 100 chương trình Homeschool hoàn toàn miễn phí cho bé học tại nhà

Giải mã “bí ẩn” Homeschool

Vai trò của bố mẹ Homeschool sẽ y như một giáo viên tại trường học, thậm chí có phần yêu thương & quan tâm nhiều hơn vì họ đang giáo dục chính con cái của mình. Các hoạt động bố mẹ sẽ làm bao gồm cho bài tập về nhà, kèm cặp các chuyến đi thực tế, thực hiện các thí nghiệm khoa học và cả giải trí sau giờ, nghỉ giải lao giữa các buổi học.

Nhưng bởi vì những gia đình chọn Homeschool chiếm thiểu số trong hầu hết các cộng đồng bố mẹ, họ thường bị cho là “kỳ quặc”. Hàng xóm có thể thắc mắc liệu những đứa trẻ này có đang thực sự “học” hay không, hay bố mẹ bận rộn và cứ để chúng chạy lung tung không kiểm soát. Những người khác thì cho rằng cho con học Homeschool sẽ khiến trẻ bị cô lập, không được kết bạn, không có cơ hội tham gia các hoạt động thể thao đội nhóm khác.

Thực tế việc cho con học Homeschool có nhiều rủi ro như bạn nghĩ?

Học Homeschool không có nghĩa là “cách ly xã hội” đối với trẻ  

Nếu bạn thấy buồn cho những đứa trẻ Homeschool vì chúng nó không được giao lưu với các mối quan hệ bạn bè xã hội như thường ngày tại trường, thì bạn đã lầm. Christina Lorenzen, một bà mẹ hai con ở North Babylon, New York, với kinh nghiệm cho con học Homeschool tại nhà trong 10 năm cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ sẽ hỏi tôi làm thế nào con tôi có thể được ‘hòa nhập với xã hội’ nếu chúng không đến trường ‘bình thường’. “Nhưng thực chất chúng tôi có một cộng đồng Homeschool vô cùng lớn mạnh ở Long Island. Cùng với nhau, chúng tôi tổ chức các bữa tiệc, hoạt động thể thao, các câu lạc bộ kỹ năng và hướng đạo sinh cho trẻ. Nhờ đó con có thể tương tác với những đứa trẻ khác ở mọi lứa tuổi”, cô giải thích.

trẻ em châu á vui chơi cùng nhau
Học Homeschool, trẻ vẫn hoàn toàn có thể kết bạn với những cộng đồng bố mẹ cho con Homeschool khác.

Một trong những lý do Homeschool phát triển tại Mỹ là vì cộng đồng Homeschool với những bố mẹ đồng quan điểm tại đất nước này rất lớn. Tại Việt Nam, để đi đến quyết định cho con học Homeschool, chắc chắn chúng ta cũng cần “thành lập” một nhóm những người cũng cùng chí hướng như thế. Nếu có được một cộng đồng nhỏ, bạn có thể bắt đầu cùng những bố mẹ khác lên kế hoạch cho trẻ học Homeschool rồi đấy.

Chất lượng giáo dục của Homeschool so với việc học tại trường?

“Giáo viên ở các trường học truyền thống không thực sự chuyên sâu về tất cả mọi thứ. Họ có thể hiểu biết nhiều về môn học của họ, rồi sử dụng sách giáo khoa và dạy học theo chương trình giảng dạy đã được thiết lập sẵn qua nhiều thế hệ”, Shannon Entin, một người mẹ 2 con quyết định áp dụng Homeschool ở Bloomsbury, New Jersey chỉ ra.

May mắn thay, các bố mẹ cho con Homeschool hoàn toàn có thể vận dụng nguồn tài nguyên dạy học không giới hạn, bao gồm Internet, thư viện, câu lạc bộ và cả từ các chuyên gia cố vấn. Marie Gandon – một người mẹ khác chọn Homeschool, chia sẻ rằng “Một người bố từng làm việc cho NASA sẽ vô cùng thích hợp để dạy khoa học.

Chúng tôi cũng thuê một nhà văn freelancer dạy viết cho bé. Và tôi là người Pháp, vì vậy tôi dạy ngôn ngữ”. Có thể thấy, chất lượng giảng dạy chuyên sâu của Homeschool mang đến cho trẻ một góc nhìn “chất lượng” hơn hẳn phương pháp giáo dục đại trà tại trường.

Tuy nhiên để mời được các chuyên gia cố vấn với kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực về dạy Homeschool cho con, bố mẹ cũng phải chuẩn bị đủ tiềm lực kinh tế.

Môi trường học tại nhà thì có gì khác với học tại trường không?

Marie Gandon hình dung việc học tại nhà như một bà mẹ và hai đứa trẻ ngồi bên bàn bếp, trông môi trường có vẻ không mấy “học thuật” như ở trường học. “Tôi tự hỏi tôi sẽ vẽ ranh giới giữa việc làm mẹ và làm giáo viên của chúng ở đâu”, cô thừa nhận. Nhưng, dĩ nhiên không phải hôm nào học Homeschool cũng trông như thế này.

Quyết định cho trẻ học tại nhà, bố mẹ phải quyết tâm đưa ra giờ giấc sinh hoạt nghiêm khắc. “Chúng tôi có các lớp học, tiết học, ăn trưa và bọn trẻ đăng ký các khóa học chúng muốn tham gia.” – Marie Gardon cho hay.

Tại Việt Nam, ta có thể nhắc đến chị Keziah Hương hiện đang sinh sống tại Hà Nội, với một nhóm học Homeschool gồm chị và nhiều phụ huynh khác. Nhóm học này tổ chức theo giờ giấc cố định, với nhiều lớp học dạy các kỹ năng khác nhau cho các bé. Dĩ nhiên “giáo viên” ở đây chính là các bố mẹ, và các bé sẽ có dịp giao lưu cùng nhau. Có thể nói bố mẹ hoàn toàn có thể tự tạo “môi trường học thuật” cho bé, khi đã thành lập được cộng đồng đồng lòng.

Học nhanh học chậm tùy ý!

Một trong những lợi ích thấy rõ nhất của Homeschool là khả năng điều chỉnh tốc độ giảng dạy phù hợp với nhu cầu & năng lực của trẻ. Gần như tất cả các bố mẹ Homeschool được phỏng vấn cho biết họ sẽ dừng lại giải thích kỹ hơn bài giảng của họ nếu con yêu cầu sự trợ giúp.

“Mỗi đứa trẻ đều là những cá thể riêng biệt, có tốc độ tư duy và hiểu bài khác nhau. Nhưng các lớp học truyền thống thường mặc định rằng tất cả trẻ em đều học theo cùng một cách như nhau” Trudeau nói.”

Đây thực sự là một điểm cộng rất lớn khi phần lớn trẻ cảm thấy chán nản việc học là do “không theo kịp tốc độ học trên lớp” và tự mặc định chúng “học chậm, học yếu” trong khi thực chất chúng không đến nỗi tệ như thế. Homeschool sẽ phần nào giúp bố mẹ xác định rõ năng lực của con mình, cũng như điểm mạnh và điểm yếu, để từ đó thiết kế cho con lộ trình học hiệu quả nhất.

bé gái châu á ngồi học trên bàn
Homeschool sẽ giúp bố mẹ xác định rõ năng lực của con mình, cũng như điểm mạnh và điểm yếu cặn kẽ giúp hỗ trợ con tốt hơn.

Cho con học Homeschool – bố mẹ phải biết cân bằng cuộc sống

Trẻ bị ốm, chó mèo vật nuôi chạy quanh gây mất tập trung quẫy đạp, hay chiếc bếp điện hôm ấy bỗng bị hỏng. Rất nhiều những sự vật hiện tượng xung quanh có thể làm bé và bạn bị mất tập trung, và kế hoạch học bài hôm ấy chắc chắn sẽ không thể hoàn thành như ý.

Trong những tình huống này, bố mẹ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho những ngày nghỉ bất đắc dĩ. Vì để duy trì cân bằng với cuộc sống, bố mẹ cần đảm bảo con được thoải mái học với môi trường chất lượng, ít gò bó.

Homeschool sẽ đôi lúc khiến bố mẹ kiệt sức  

Amy Koons, một bà mẹ 4 con ở Zionsville, Indiana, nói rằng cô ấy ước mình có thể uống 1 tách cà phê và nghỉ ngơi. “Ở bên các con tôi 24/7 là một việc đòi hỏi rất nhiều cố gắng!” Cassani đồng ý. “Khối lượng công việc của bố mẹ thường khá lớn, do luôn phải chuẩn bị, nghiên cứu và lập kế hoạch cho bài học Homeschool tiếp theo cho con.

Việc giáo dục tại nhà đòi hỏi tính tự giác cao độ và khả năng tách biệt giữa gia đình và môi trường học tập.” Đây chính là điều mà mỗi bố mẹ cần lưu tâm. Để đạt được tối đa chất lượng học tập cho con, bản thân bố mẹ phải bỏ ra khá nhiều công sức xứng đáng.

Nhưng bù lại, Homeschool lại giúp gắn kết gia đình vô cùng hiệu quả

Thực tế cho thấy việc học Homeschool đã khiến cả nhà thân thiết, gần gũi với nhau hơn. Khi bố mẹ có nhiều thời gian hơn để ở bên con, con có thể được lắng nghe, trò chuyện, và biểu lộ cảm xúc tích cực hơn. Ngoài ra, những hoạt động gia đình cùng nhau vui chơi, ăn uống cũng khiến thời gian cùng gia đình trở nên hào hứng, vui vẻ. Việc này tùy thuộc vào bố mẹ, và thời gian rảnh bố mẹ dành cho con.

Mặc dù hình thức Homeschool chưa được phổ biến quá rộng rãi ở Việt Nam, ta có thể thấy tình hình giãn cách kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hình thức học mới này được biết đến nhiều hơn.

Đặc biệt với những bố mẹ lo ngại về tình hình sức khỏe của con khi để con đi học offline, lại không đủ tin tưởng hiệu quả từ việc học online, thì lựa chọn Homeschool cho con chính là lựa chọn tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại.

Theo tạp chí Parents.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *