Con hay chống đối – phải làm sao?

Cái khó nằm ở chỗ, bố mẹ cần bình tĩnh xử trí qua các tình huống con khó chịu, con chống đối, để từ đó rèn giũa tính cách cho con. Một số bố mẹ có thể rơi vào hình mẫu “bề trên”, luôn tỏ ra mình đúng và cho rằng con phải răm rắp tuân thủ mọi điều mình nói. Trên thực tế, đây là một cách đối phó sai lầm trong việc dạy con. Bố mẹ có quyền dạy dỗ, nhưng không có quyền kiểm soát con. Đặc biệt trong các tình huống “dầu sôi lửa bỏng”, việc kiểm soát thái quá có thể làm giọt nước tràn ly, khiến con chống đối gay gắt. Dưới đây là một số cách bố mẹ có thể dùng để khéo léo xử lý tình huống:

trẻ nổi nóng phải làm thế nào

Biết lúc nào cần đối phó

Nếu bạn chọn đối phó với 1 đứa trẻ 3 tuổi bất cứ lúc nào con tỏ thái độ chống đối, nuôi con sẽ trở thành cuộc chiến không hồi kết. Thay vào đó, hãy liệt kê và cô đọng lại một số hành vi thực sự nghiêm trọng và mang lại hậu quả lớn, ví dụ như những hành vi nguy hiểm, trái đạo đức, hoặc gây khó chịu cho người khác. Ví dụ như việc lái xe đạp 1 mình trên đường quốc lộ – bố mẹ nên nghiêm túc ra hiệu cho trẻ rằng đây là việc trong “vùng cấm”, tuyệt đối không bao giờ được làm. Bố mẹ hãy đặt ra những quy luật hợp lý, kèm theo hậu quả khôn lường nếu con “lách luật”.

Việc đôi co với con thực sự không đem lại chút hiệu quả nào vì vô hình chung sẽ hình thành suy nghĩ “Người lớn được quyền nói lại mình đơn giản vì họ… lớn hơn mình”. Hoàn toàn, trẻ không hề cảm phục và nể bạn. Hãy liên tục nhắc nhở trẻ về lý do tại sao trẻ không được làm một số việc, hoặc “cấm túc” nghiêm ngặt nếu trẻ vi phạm. Nên nhớ, liên tục theo sát và quan tâm trẻ sẽ giúp bạn nắm bắt tình hình tâm lý trẻ tốt hơn, đề phòng mầm mống “nổi loạn” sau này ở tuổi dậy thì.

Bên cạnh đó, với những hành vi đỡ nghiêm trọng hơn, như nói dối, không chia sẻ, nói tục (bắt chướt từ môi trường), bố mẹ hãy xây dựng một “chính sách” riêng cho gia đình, và có biện pháp giải quyết đối với từng tình huống một. Đặc biệt, khi trẻ đang trong tình trạng mệt, ốm, đói bụng, hay stressed vì những lý do khách quan, hãy dịu dàng với trẻ hơn.

Tập đề phòng

Ông bà ta có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy vận dụng mức độ hiểu con của bạn để “chặn đầu” ngay trước khi con “bùng nổ” cảm xúc. Nếu con có vài thói quen gây phiền hà như “bỗng dưng” chỉ thích mở ra mở vào tủ bếp trong lúc bạn đang bận rộn dùng bếp để nấu bữa ăn sáng, hãy khóa tủ lại để con không thể mở ra nữa. Những biện pháp “chặn đầu” nhẹ nhàng này giúp giảm bớt nguy cơ gây mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái.

Bên cạnh đó, hãy lên kế hoạch. Nếu con thường cảm thấy vui vẻ, tràn đầy năng lượng hơn vào buổi sáng nhưng lại mệt mỏi và nóng nảy khi chiều về, hãy lên kế hoạch đi siêu thị, gặp nha sỹ, đi đây đó khi con đang trong trạng thái tốt nhất. Hãy chuẩn bị tâm lý cho con trước mọi tình huống, và dặn con nên cư xử như thế nào là đúng đắn. Bạn cũng có thể gạt đi cảm giác chán nản của con bằng một túi đồ chơi hoặc snacks để con mang theo ăn lúc đói. Cuối cùng, nhớ rằng phải luôn luôn nhắc nhở trẻ trước khi trẻ phải ngưng việc mình đang làm và chuyển qua một hành động khác. “Vài phút nữa con nhớ dọn dẹp đồ chơi để mình về nhà nhé!” – Bạn càng chuẩn bị tâm lý cho con sớm, con càng ít có cơ hội phản bác và nổi quạu.

nhẹ nhàng với con

Hãy bình tĩnh

Nếu bạn không thể né tránh tất cả những tình huống con chống đối, hãy đối mặt với chúng bằng thái độ hết sức bình tĩnh. Dùng một tông giọng nhẹ nhàng, không cộc cằn, kèm những từ ngữ ôn hòa, tích cực để trò chuyện cùng trẻ cũng là một tôn chỉ.

  • “Rửa tay sạch sẽ đi nào, để lát nữa còn ăn gỏi cuốn.”

Sẽ mang tính động viên lớn hơn nhiều so với:

  • “Đi rửa tay ngay!”
  • “Tay con dơ quá, sao không rửa tay đi?”
Hãy biến những câu mệnh lệnh chỉ chăm chăm vào “con”, trở thành những thông điệp từ phía chủ thể “bố/mẹ”. Ví dụ, thay vì nói, “Sao con ích kỷ thế? Chẳng bao giờ con chia sẻ đồ chơi của mình cho bạn chơi cùng cả!” Hãy thử “Bố/mẹ sẽ vui hơn nếu con dùng bộ đồ hàng này chơi cùng bạn bè đấy. “

Một tips hữu hiệu hơn là hãy tập trung vào những việc nên làm, thay vì những điều cấm. Nếu bạn cấm đứa con 3 tuổi của mình không được để xe đạp ở hành lang, khả năng cao rằng trẻ sẽ phản đối. “Tại sao con phải làm thế?”. Khôn khéo hơn, hãy nhẹ nhàng nói với con: “Nếu con để chiếc xe đạp yêu thích này ở hành lang, nó sẽ dễ bị trầy và đụng chạm bởi người khác đấy. Con có muốn nó bị hư sớm không?”

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn vẫn giữ một giọng điệu bình tĩnh, từ tốn, và trung lập. Đừng khiến trẻ nghĩ rằng “Bố/mẹ hết thương con rồi”. Thay vì nói “Bố/mẹ không thể chịu nổi con nữa!” dễ làm trẻ nghĩ bố mẹ đã “từ bỏ” việc yêu thương chúng; hãy thay thế bằng “Bố/mẹ không muốn con vứt chai nước lung tung trên kệ bếp mãi như thế đâu nhé” biểu thị sự phản đối một hành động nhỏ. Và dĩ nhiên, không có nghĩa là chỉ vì hành động này mà bố mẹ ghét bỏ trẻ.

Lắng nghe kỹ càng hơn

Trẻ sẽ cảm thấy bình ổn và ít chống đối hơn khi trẻ ý thức được sự quan tâm thực sự từ phía bố mẹ. Vì vậy, hãy nhắc đến những mối lo âu của trẻ và liên tục kiểm tra tinh tế xem trẻ đã ổn hơn chưa. Ví dụ, khi trẻ bắt đầu la toáng lên ở cửa hàng vì không được mở gói kẹo ra ăn thử, hãy nhẹ nhàng đặt mình vào tình thế của trẻ: “Chắc con đang khó chịu lắm, vì cây kẹo này ngon thế mà không được thử ngay tại chỗ. Nhưng con có thể mở nó ăn khi chúng ta về đến nhà nè. Vì mở kẹo ra ngay giữa cửa hàng là trái luật, con sẽ bị bắt đó.” Có thể con sẽ không thỏa mãn ngay lập tức, nhưng cách nói quan tâm của bố mẹ sẽ giúp giảm bớt cơn nóng giận và né tránh mọi mâu thuẫn.

trẻ nổi nóng

Giải thích cho trẻ hiểu lý do đằng sau mọi hành động của bạn

Một đứa trẻ 3 tuổi sẽ không hiểu lý do tại sao chúng phải ngưng làm những việc mà chúng thấy vui, như cắn móng tay, bỏ tất cả mọi vật vào miệng, hay vô ý đánh đấm người khác. Hãy dạy trẻ cách thấu cảm:

  • “Nếu con cắn hay đánh người khác, họ sẽ cảm thấy đau đớn lắm.”
  • “Nếu con giựt đồ chơi của bạn, bạn con sẽ buồn lắm đấy vì đang chơi mà bị cắt ngang.”

Hãy cho con thấy những hành động của mình ảnh hưởng lớn như thế nào đến những người xung quanh, và luyện cho trẻ cách nghĩ đến hậu quả đầu tiên.

Đưa ra sự lựa chọn

Khi con từ chối hay thậm chí chống đối làm một việc gì đó, thường lý do đến từ sự “kiểm soát” quá đà của các ông bố bà mẹ. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, hãy cho phép con được tự do chọn lựa những việc mình được làm trong giới hạn nhất định nào đó. Thay vì yêu cầu con phải ngay lập tức lau dọn phòng ốc, hãy hỏi con: “Con muốn dọn cái gì trước? Sách vở hay quần áo trong phòng?” Hãy chắc chắn rằng bạn đưa ra những sự lựa chọn nằm trong tầm kiểm soát. Vì nếu để trẻ được tự do lựa chọn 1 điều gì đó trái với quy luật, chỉ dễ làm mâu thuẫn ngày càng tăng cao mà thôi. Ngoài ra thì, hạn chế hỏi những câu như “Con muốn bắt đầu từ đâu? Bao giờ bắt đầu?” vì trẻ sẽ dễ cảm thấy ngột ngạt.

Cho trẻ được “chọn” cách mình ứng xử

Khi bạn muốn trẻ ngưng ngay vài hành động thô lỗ, hãy cho trẻ khoảng không để suy nghĩ “liệu con có thể làm gì khác ngoài việc này?”

Ví dụ, nếu muốn trẻ ngưng đấm vào chiếc gối chỉ vì giận dữ, hãy khuyến khích trẻ tự nghĩ “ngoài cách đấm vào gối, con có thể làm gì khác để thấy khá hơn không?” Trẻ cần phải hiểu rằng, những cảm xúc lên xuống bất chợt của mình là bình thường, nhưng cách thể hiện những cảm xúc đó ra thì cần phải qua chọn lọc. Thật ra ngay cả 1 đứa trẻ 3 tuổi cũng có thể bắt đầu tự học cách giải quyết vấn đề mà không cần sự gợi ý từ người lớn. Cái khó ở đây, là phải kiên nhẫn lắng nghe từ góc nhìn của trẻ, với một thái độ cởi mở. Đừng bắt bài và chặn ngang trẻ bất cứ lúc nào, thay vào đó, nhẹ nhàng thêm vào những “hậu quả” có thể xảy đến đối với từng quyết định của trẻ.

Dùng hình thức Time-out (cấm túc) khi con vẫn chống đối

Khi những giải thích logic, bình tĩnh, nhẹ nhàng không thể tác động gì đến tâm lý trẻ, hãy nghĩ đến phương pháp này: time-outs.

Mục tiêu của phương pháp này để tránh được những sự quấy nhiễu, khóc lóc của trẻ. Điều này giúp cho việc nuôi dạy con trở nên dễ dàng hơn. Thay vào những trận đòi roi, bé sợ hãi khóc lóc, cảm xúc của bố mẹ khó chịu, căng thẳng. Con có thời gian bình tĩnh hơn, suy nghĩ về những lỗi lầm của mình.
Đặc biệt, khi trẻ tự suy nghĩ, trẻ có thể biết được điểm sai của mình ở đâu. Và từ đó không mắc phải lỗi sai tương tự như trước. Nghe có vẻ khá quen với một số hình phạt mà người Việt mình hay dùng. Như phạt quỳ gối, úp mặt vào tường hay đứng ở một góc nhà. Đúng rồi đấy bố mẹ, những hình phạt lắm lúc chúng ta áp dụng cũng được xem là phương pháp Time Out đấy.
Trong khoảng thời gian Time-out, hãy chú ý một vài nguyên tắc:
– Không ai trò chuyện cùng bé khi con bị phạt.
– Trẻ không được làm gì trong quá trình bị phạt như đi vệ sinh hay uống nước.
– Những anh chị, trẻ em khác trong nhà không được phép lại gần chơi đùa cùng con.
– Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình không nên tỏ ra thương xót hoặc mềm lòng với trẻ.

time out

Thừa nhận những lỗi lần của bố mẹ

Không phải lúc nào bố mẹ cũng đều đúng. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn luôn hướng về lẽ phải và chấp nhận những lỗi lầm của mình. Hãy xin lỗi trẻ nếu bạn có làm gì quá đáng để ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ ghi nhớ rằng: “Không một ai trên đời này là hoàn hảo” và nếu có sai, thì “Ai ai cũng có cơ hội được sửa sai để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.” Từ đó con học được cách thỏa hiệp, bớt chống đối lại và cư xử chuẩn mực hơn.

Trao thưởng những lần con tự nguyện

Bạn có bất ngờ cực độ khi bỗng một ngày con bạn ngoan… lạ thường. Khi con bỗng răm rắp làm theo mọi lời bạn nói. Một số bố mẹ còn nghĩ con hẳn phải có… động cơ gì đằng sau mới cư xử ngoan ngoãn như thế! Thực tế, cả trẻ con và người lớn chúng ta, đều có xu hướng phát triển thái độ chống đối khi bị bắt buộc phải làm một điều gì đó, hơn là tự nguyện. Ví dụ nếu bạn định đi rửa chén, và vô cùng sẵn sàng cho việc rửa chén, thì bỗng một người khác xuất hiện và bảo rằng bạn hãy đi rửa chén đi, chắc chắn hứng thú rửa chén của bạn sẽ giảm về âm vô cực. Trẻ con cũng thế!

Từ đó, phần thưởng mới được phát minh ra để chúng ta khuyến khích những lần tự nguyện quý giá của trẻ.

Biết cách tận dụng một cách hợp lý các món quà và giải thưởng đặc biệt sẽ giúp con bạn thấy rằng bạn biết và tôn trọng cảm xúc của chúng. Hơn thế nữa, nó giúp xây dựng sự tin tưởng của trẻ vào những nề nếp kỷ luật mà bạn đề ra, giúp trẻ có động lực hoàn thành chúng trong sự tự nguyện vui vẻ.

Từ những lời khuyên dưới đây, hy vọng Phụ Huynh Công Nghệ có thể giúp bạn rèn luyện cho con cách cư xử trưởng thành hơn mỗi ngày!

Theo Parents Magazine.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *