Với nền giáo dục Na Uy, bố mẹ có thể uốn nắn tính cách con mà không hề đụng đến biện pháp mạnh. Hãy cùng tham khảo phần 2 trong series “Dạy con kiểu Na Uy” được tham khảo từ một người bố sống ở Na Uy nhé!
Mục Lục
1. Ở Na Uy, cha mẹ hay trả tiền lương theo tuần.
Lương theo tuần là một khoảng “tiền thưởng nho nhỏ” để trẻ có động lực phấn đấu. Ngoài ra, việc phát lương cho phần nào khuyến khích trẻ có trách nhiệm với hành động của mình hơn.
Thường để nhận được lương tuần, bé cần:
- Dậy chuẩn bị đồ ăn và quần áo để đi học trước 8h10 sáng.
- Lau dọn nhà vệ sinh 2 lần/tuần.
- Vứt rác hàng ngày.
- Làm bài tập đầy đủ để cô giáo không phàn nàn.
- Dọn bàn ăn khi đến bữa cơm.
Cứ làm đầy đủ thì cuối tuần sẽ được tiền lương vào tài khoản. Ngược lại sẽ bị “trừ lương”.
2. Đừng lấy hết “tài sản” của con khi phạt
Khi phạt thì chúng ta đừng lấy hết tài sản của trẻ. Khuyến khích tầm 40%-50% là trẻ đủ nhận ra mức độ nghiêm trọng. Còn lại một ít “vốn”, trẻ vẫn còn hy vọng và tiếc nuối về tài sản đã mất. Người Na Uy cho rằng lấy hết lại thì trẻ không còn gì để hy vọng và chúng không còn quan tâm (phụ thuộc) thì thưởng phạt sẽ không còn sức mạnh nữa.
3. Tiết kiệm lời trách mắng để giữ uy lực của lời nói
Khi cảm thấy việc làm của con không đi quá giới hạn cho phép thì cha mẹ nên có cái nhìn độ lượng và bỏ qua. Ngược lại, nếu cảm thấy cần phải xử lý thì bố mẹ nên làm đến nơi đến chốn. Để mỗi khi trẻ thấy cha mẹ nói chuyện nghiêm túc, là chúng hiểu đây là vấn đề thực sự nghiêm trọng, cần phải sửa đổi.
4. Bố mẹ Na Uy dành rất nhiều thời gian cho trẻ
Nhìn chung, nuôi trẻ ở Na Uy cha mẹ cũng vất vả và phải giành rất nhiều thời gian cho con. Cha mẹ gần như rong ruổi theo các hoạt động ngoại khóa của con như đá bóng, bơi lội, âm nhạc.
Đó là những việc làm cần thiết để trẻ cảm thấy tin cậy vào cha mẹ. Từ đó, tiếng nói của cha mẹ có sức ảnh hưởng hơn. Người Na Uy nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì họ vô cùng kiên nhẫn và mềm mỏng trong việc dạy và huấn luyện trẻ.
Kể cả những đồng nghiệp Na Uy của tác giả cũng vậy. Họ rất dễ chịu, gần gũi và tình cảm nhưng luôn giữ một khoảng cách giữa đồng nghiệp với nhau. Có lẽ họ được lớn lên trong môi trường tự do nhưng phải tuân theo khuôn khổ.
Dùng bạo lực để dạy có thể nắn được trẻ nhưng có thể trẻ bị mất đi sự tự tin, tư duy phản biện (mặc định là người lớn hoặc có quyền lực là đúng), và tính chiến đấu. Thiếu những thứ đó con có thể sẽ bị thiệt thòi hơn sau này ra xã hội. Là người lớn lên từ Việt Nam, lắm lúc ta cũng muốn “uy lực”. Ví dụ như chỉ cần liếc mắt một cái là con hiểu ý mà làm theo ý cha mẹ. Nhưng khi đi nhiều hơn, ta sẽ thấy trẻ em Tây ít sợ hãi, co mình hơn trước người lạ. Ta bỗng muốn thay đổi, để con được “dạn dĩ” như bạn bè.
Còn bạn, bạn muốn dạy con theo phương thức nào?
Nguồn: bố Hiếu – group Con Tự Học.