Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, nhưng nuôi dạy khi con là đứa trẻ vô cùng nhạy cảm, còn đòi hỏi cố gắng gấp nhiều lần từ bố mẹ. Theo nhà tâm lý học Elaine Aron, tác giả cuốn The Highly Sensitive Child, những đứa trẻ nhạy cảm cao có hệ thống thần kinh nhận thức lớn và phản ứng nhanh hơn bình thường – đặc tính này chỉ xuất hiện ở khoảng 20% trẻ em.
Vậy thì làm thế nào xác định rằng con bạn có thuộc nhóm trẻ em nhạy cảm cao (high sensitive kids) hay không? Khi con vô cùng nhạy cảm với thế giới xung quanh, thì bố mẹ sẽ cần phương pháp nuôi dạy như thế nào?
Dưới đây là 9 dấu hiện của 1 đứa trẻ nhạy cảm, xem con bạn có xuất hiện những dấu hiệu dưới đây không, rồi từ đó rút ra phương pháp nuôi dạy con đúng đắn nhé nhé!
1. Con rất dễ đồng cảm với người khác
Khi con nhạy cảm, con không những mang trong mình nhiều cảm xúc, mà còn có khả năng thấu cảm rất lớn với người xung quanh. Nhìn thấy bố mẹ mình (hoặc ai đó quan trọng với con) buồn bực, con cũng dễ bị ảnh hưởng và trở nên “buồn theo” bố mẹ một cách vô thức.
2. Dễ mẫn cảm với chất liệu quần áo
Những đường may bên trong quần áo và miếng tag có thể gây ngứa và khó chịu khi mặc đối với một đứa trẻ nhạy cảm do giác quan của chúng phản ứng rất mạnh. Khi phát hiện con đã “mẫn cảm” với một số loại vải nhất định, bố mẹ cần thường xuyên hỏi han con liệu con có thấy thoải mái khi mặc quần áo, tất, đeo găng hay không.
> Xem thêm:
- Trẻ chấn thương ở nhà giữa giãn cách xã hội – Bố mẹ cần làm gì?
- 5 kỹ năng xã hội dạy trẻ trở thành một người tử tế
3. Con suy nghĩ nhiều hơn cần thiết
Điều này có thể được nhìn thấy trong những câu hỏi thăm dò, tò mò về thế giới xung quanh của con. Đó có thể là khi con biết sử dụng sớm những từ ngữ phức tạp chỉ sau khi nghe chúng một vài lần, hoặc con hay gặp khó khăn khi đưa ra quyết định. Tất cả là bởi vì con đang nghĩ trầm ngâm nghĩ đến rất nhiều khả năng có thể xảy ra.
Với những trường hợp này, bố mẹ cần khéo léo hơn trong việc nuôi dạy con, không để suy nghĩ chúng đi quá xa, trở nên quá lệch lạc, hoặc trầm uất hơn những đứa trẻ bình thường khác.

4. Những phương pháp kỷ luật thông thường sẽ dễ khiến trẻ tổn thương
Phương pháp “úp mặt vào tường” (Time-out) hoặc răn đe nghiêm khắc sẽ không mang lại hiệu quả với nhóm trẻ nhạy cảm này. Do khả năng nhận thức và xử lý siêu việt của chúng, những đứa trẻ nhạy cảm cao cần có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Nhà tâm lý học Jadzia Jagiellowicz, một nhà tư vấn về tính khí tại Hiệp hội Highly Sensitive cho biết: “Đứa trẻ có tính nhạy cảm cao sẽ tiếp thu mọi điều bạn nói và khuếch đại nó”.
Bạn có thể nói điều gì đó, và những gì trẻ nghe thấy trông sẽ nghiêm trọng gấp 10 lần. Hiểu được tính con mình nhạy cảm, bố mẹ hãy tập giải thích mọi thứ cho trẻ một cách bình tĩnh và thực tế khi con làm gì sai trái. Những vi phạm nhỏ của con, bố mẹ có thể xem xét bỏ qua. Đó là phương pháp công tư phân minh nhất để nuôi dạy một đứa trẻ nhạy cảm.
5. Khó đi vào giấc ngủ hơn sau 1 ngày năng động
Giấc ngủ là liệu pháp cung cấp thời gian nghỉ ngơi và bổ sung năng lượng cho trẻ. Với những đứa trẻ nhạy cảm cao, dường như sẽ khó để trẻ đi vào giấc ngủ ngon một cách nhẹ nhàng. Do trí óc hoạt động liên tục và nhận thức cao của chúng về các kích thích, việc đưa chúng vào giấc ngủ sâu – và đều đặn – có thể là một thách thức.
Bố mẹ hãy chuẩn bị một loạt các hoạt động yên tĩnh và nhẹ nhàng, như bật nhạc hòa tấu, hay tạo mùi hương tinh dầu cho căn phòng. Đây là cách nuôi dạy con tinh tế để giảm cường độ của các kích thích và giúp một đứa trẻ nhạy cảm cao giảm bớt căng thẳng sau 1 ngày dài.
6. Dè dặt trước những trải nghiệm mới
Những đứa trẻ nhạy cảm cao có thể do dự với những người lạ hoặc trải nghiệm mới. Chúng đòi hỏi bố mẹ sự kiên nhẫn giới thiệu cho chúng tập quen dần với những điều mới này. Đến thăm lớp học mới, giáo viên hoặc huấn luyện viên trước khi bắt đầu những hoạt động mới, là điều bố mẹ nên làm. Nếu có thể, hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ bằng cách vẽ ra viễn cảnh trước cho con rằng điều gì sắp sửa xảy ra, để con giữ bình tĩnh, rằng không có gì phải sợ cả.
7. Sở hữu giác quan “thần sầu”
Khi con là đứa trẻ nhạy cảm, con có thể nghe thấy tiếng máy bay trước bất kỳ ai khác và ngửi thấy một mùi hương nhẹ nhất mà người khác gần như không thể ngửi được. Con cũng nhanh chóng nhận thức được những thay đổi tinh tế về diện mạo của mọi người hoặc địa điểm, nơi chốn. Chẳng hạn như để ý trong nhà có một món đồ nội thất đã được dời đi.

Và mặc dù âm thanh lớn có thể khiến bất kỳ ai bị choáng ngợp, một đứa trẻ nhạy cảm cao sẽ cảm nhận điều đó gấp 10, hay 100 lần người bình thường. Một đứa trẻ rất nhạy cảm thậm chí có thể sợ hãi khi thấy người lớn chuẩn bị mở nắp sâm-panh (chuẩn bị có tiếng ồn), hay phản ứng với chiếc may xay sinh tố trong nhà vì tiếng ồn nó gây ra.
8. Nói không với quần áo ẩm ướt hoặc lấm bẩn
Một bộ quần áo dự phòng là thứ vô cùng cần thiết cho gia đình bạn mỗi lúc đi chơi xa. Quần áo ướt hoặc dính cát khi cả nhà đi biển sẽ không thể tồn tại lâu trên cơ thể của những đứa trẻ nhạy cảm. Vì chúng sẽ có nhận thức rõ hơn về những kích thích này, và dễ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy, không thoải mái.
9. Nuôi dạy con nhạy cảm vừa là thử thách, nhưng cũng là cơ hội!
Nuôi dạy một đứa trẻ nhạy cảm cao có thể là một thách thức — đặc biệt đối với những bố mẹ vốn dĩ không nhạy cảm & tâm lý đủ để hiểu được những mong muốn của con mình. Nhà tâm lý học Jadzia Jagiellowicz nhấn mạnh rằng, quan trọng là bố mẹ cần phải khoan dung với sự nhạy cảm của con hơn. Hãy cố gắng không quá để tâm đến phản ứng và hành vi thái quá của con, và tập trung vào việc giúp con vượt qua cảm giác căng thẳng bằng cách giảm thiểu những tác động bên ngoài.
Là một người nhạy cảm không hề xấu, mà ngược lại, con còn được trao tặng một “món quà” cảm xúc khi luôn được trải nghiệm mọi thứ nhiều hơn bình thường. Con sẽ vui hơn, hào hứng hơn, hạnh phúc hơn khi cảm nhận những điều tích cực, và cuộc sống trong mắt con, chắc chắn sẽ vô cùng thú vị đầy màu sắc.