Unschool là gì? Hành trình Unschooling của mẹ con tác giả “Để con được ốm”

Unschool là gì? Hành trình Unschooling của mẹ con tác giả “Để con được ốm”

Unschool là gì? Hành trình Unschooling của mẹ con tác giả “Để con được ốm”

Unschool là gì?

Một cuộc sống không có trường học

Unschool rất đơn giản, như cái tên của nó. Unschooling có nghĩa là bố mẹ từ chối gửi các con đến trường. Cũng không cố gắng tạo ra một môi trường giống như trường học tại nhà như phương pháp Homeschool.

Giáo dục không nhất thiết đi kèm các “chương trình, hệ thống”

Các bố mẹ quyết định unschool sẽ không cho con học theo bất kỳ một chương trình nào. Bất kể là chương trình học “Tây” hay “Ta”. Với họ, giáo dục không phải là một quá trình khắt khe tuyến tính theo từng bậc. Càng không phải là một “chương trình học áp dụng chung cho tất cả học sinh”.

Trẻ em hoàn toàn có quyền tự do kiểm soát việc học

Trẻ em unschool được học bất kì điều gì khiến chúng hứng thú. Dĩ nhiên, cũng được tự do từ chối học những điều chúng không giỏi, hoặc không khiến chúng thích thú. Đây là một trong những điểm gây tranh cãi nhất về Unschool. Rằng trẻ em không có khả năng tự kiểm soát những gì chúng cần học.

>Xem thêm:

  • Ông bố để con học tại nhà: “Tôi chỉ khai phóng khả năng của con”
  • “Cho trẻ học tại nhà ít rủi ro hơn gửi đến trường”

Tuy nhiên, bố mẹ Unschooler (người cho trẻ học Unschool) tin rằng trẻ em mới là người tự quyết định việc học của mình. Cũng như hoàn toàn có khả năng kiểm soát được việc này. Với unschool, việc học phải mang tính đồng thuận. Ép buộc trẻ học sẽ không mang lại thành quả mong muốn.

Trong bài viết này, Phụ Huynh Công Nghệ xin giới thiệu chị Uyên Bùi – tác giả tựa sách “Để con được ốm”. Chị là một trong số ít những người mẹ quyết định cho con Unschool tại Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị từ kinh nghiệm Unschool cho con của người mẹ này nhé!

Lý do gì khiến Uyên Bùi nghĩ Unschool là tốt nhất cho con?

Trong buổi ra ấn bản mới nhân dịp cuốn sách “Để con được ốm” bán được 100.000 bản, Uyên Bùi đã có buổi chia sẻ về hành trình 6 năm làm mẹ toàn thời gian của mình. Bà mẹ trẻ với mái tóc tém nhuộm hồng cá tính cũng bày tỏ quan điểm giáo dục về Unschooling.

  • TẢI SÁCH MIỄN PHÍ: [Tải sách] Để Con Được Ốm
Uyên Bùi tại buổi tọa đàm quyển sách Để Con Được Ốm.

Ở độ tuổi lên 6, chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc

Bé Mật Ong vừa tròn 6 tuổi, đáng ra sẽ vào cấp 1 như các bạn đồng trang lứa. Nhưng hai vợ chồng tôi và con đã thống nhất với nhau. Rằng Mật Ong sẽ không đến trường như các bạn. Kể từ năm nay, Mật Ong sẽ bắt đầu hành trình Unschool.

Thực ra ở độ tuổi của con, chỉ cần biết đọc là đủ. Đây là mục tiêu cần có để con tự đọc hết toàn bộ sách và hướng dẫn ở khắp mọi nơi mà không nhờ đến bố mẹ nữa. Con sẽ được toàn quyền tìm hiểu những gì mình muốn, và chẳng có áp lực đến trường. Tới lúc con biết đọc rồi là chúng tôi thong thả lắm!

Sau khi phát hiện cô giáo phạt bằng cách gõ vào đầu con

26 tháng tuổi là lần đầu tiên con bước chân vào trường mầm non. Đây là ngôi trường tôi đích thân dành ra 2 ngày để trò chuyện cùng các cô phụ trách nhân sự. Cũng như giáo viên phụ trách lớp con mình về cách thức giáo dục một đứa trẻ. Tôi cần biết cách giáo dục của trường có thực sự tôn trọng trẻ em trong mọi vấn đề hay không.

28 tháng tuổi, chúng tôi phát hiện ra con bị cô giáo phạt bằng cách khẽ tay hay gõ vào đầu, sau cuộc trò chuyện của con với bạn mình. Tôi quyết định cho con lựa chọn giữa Unschool và tiếp tục đi học, rồi để con ở nhà theo đúng ý kiến của Mật Ong.

Bàn về quyết định có phần “táo bạo” này, chúng tôi không có ý muốn lên án phương pháp giáo dục của cá nhân hay tổ chức nào. Chỉ đơn giả là, Unschool cũng là một phương pháp học mà 2 vợ chồng đã nung nấu từ rất lâu. Tôi muốn tự mình chịu trách nhiệm với việc chăm sóc cũng như giáo dục con thay vì trông chờ vào nền giáo dục nào đó. Tôi muốn có thể lớn lên cùng con, xem bé trưởng thành.

Uyên Bùi cùng chồng đã ấp ủ kế hoạch Unschool từ lâu cho con.

Trẻ có thể học tất cả mọi thứ trên đời. Nhưng cũng có thể chỉ học một thứ duy nhất mà mình thích.

Theo Uyên Bùi, Unschool là khi trẻ không cần học theo một giáo trình nào cả. Thích gì học nấy, tò mò điều gì thì tìm hiểu cái nấy,… miễn là chúng tốt cho sự phát triển của trẻ.

Và dĩ nhiên, trẻ không cần phải dự thi, không cần bằng cấp. Không đối diện với áp lực thi cử hay vật chất thành tựu. Không cần đánh giá hay chứng nhận từ bất kỳ tổ chức nào để được coi là “thành công”.

Khi trẻ được học những gì trẻ muốn, việc tự do theo đuổi đam mê hoàn toàn là có thể. Trẻ sẽ sống 1 cuộc đời hạnh phúc như mình mong muốn hơn.

Bé Mật Ong hợp tác với Unschool như thế nào?

Mật Ong từ nhỏ đã là một cô bé được gia đình tôn trọng. Được khuyến khích phát triển cái tôi cá nhân từ gia đình của mình. Bé được tự quyết định mọi điều, và chịu trách nhiệm với mọi quyết định ngay từ nhỏ. Do đó, con biết rõ lý do vì sao mình nên lựa chọn Unschool.

Nếu con muốn, con sẽ được khuyến khích để chủ động nói “Con muốn đi học”. Con vẫn luôn bày tỏ mong muốn được đi học nhảy, học Tiếng Anh, học bơi… Tất cả đều là những kiến thức, kỹ năng mà con thích.

Uyên Bùi cùng bé Mật Ong.

Thật ra chúng tôi vẫn rất quan tâm đến mong muốn, nguyện vọng của Mật Ong. Khi chúng tôi hỏi con: “Con có muốn đến trường không?”, “Con có muốn đi học như các bạn không?”, Mật Ong nói “Con chỉ muốn đến trường, gặp bạn bè để chơi thôi!”

Gác lại tất cả, con cũng lựa chọn đời sống tinh giản cùng bố mẹ. Con muốn đi đây đi đó, tìm hiểu điều này, học hỏi điều kia. Thay vì đến trường học và sinh hoạt chung một thời gian biểu cố định mỗi ngày.

Unschool là gì mà mang lại sự khác biệt lớn với cách học truyền thống

Nhận ra khả năng sáng tạo của trẻ con là vô biên

Unschool cho phép tôi dành nhiều thời gian cho con hơn, để tôi nhận ra hóa ra con có khả năng sáng tạo vô hạn. Chỉ có người lớn chúng ta mới làm theo công thức rập khuôn chứ trẻ con luôn có ý tưởng mới cho mọi thứ.

Ở trường, các bạn nhỏ thường ít có cơ hội làm những điều mình muốn. Vì bất cứ việc gì sẽ luôn có giới hạn chính người lớn tự đặt ra cho con mình, cho học trò của mình. Đây là những giới hạn góp phần khiến khả năng sáng tạo của con bị kìm hãm. Việc con không đến trường, sẽ khuyến khích con tự tin phá bỏ được giới hạn đó.

Unschool nghĩa là, con sẽ tiếp xúc được nhiều thứ. Tôi dễ dàng nhìn thấy được thứ con yêu thích là gì. Điểm mạnh của con nằm ở đâu. Ví dụ, tôi nhìn thấy con đam mê nấu ăn, thích ẩm thực, chế biến mọi thứ theo cách của con. Vậy thì tại sao lại không tập trung phát triển những đam mê này cơ chứ?

Unschool là cho con một cuộc sống tự do, thích gì học đó

Những ngày bạn bè chăm chỉ đến trường, con đi chơi, học hỏi mọi thứ từ môi trường bên ngoài. Những ngày bạn bè tất bật chuẩn bị cho lễ bế giảng, con đang ngụp lặn bơi ngoài biển.

Con không có dịp để tham dự ngày khai giảng, tựu trường hay bế giảng. Con không mặc đồng phục, không khoác lên người bộ đồ tốt nghiệp các cấp; không cả bằng cấp chứng nhận; không luôn những bài phát biểu được học thuộc lòng rồi lặp lại trên sân khấu.

Con chỉ có những thiên nhiên xanh mướt, những quãng đường xa, những ngày đầy nắng. Cũng như những ngày đầy mưa, những ngày đầy niềm vui và cũng đầy những nỗi buồn bã chia ly. Thứ khoác lên người con luôn là đơn giản nhất, thoải mái nhất để mặc sức được vui chơi với gió trời, với mưa sa; thứ chứng nhận duy nhất là làn da nâu giòn ngày càng “nâu như màu suy nghĩ”.

Con luôn nhìn thế giới rực rỡ và hiền hoà, hào hứng và điềm tĩnh, vui thú và an lành. Con luôn phấn khích với cuộc đời này, ngay cả với những điều mà chúng tôi cảm thấy không mấy thú vị.

Con không phải là thiên tài nhưng con có cả thế giới để học hỏi và khám phá

Tôi nhận ra, con không phải là thiên tài, nhưng thế giới rộng lớn ngoài kia luôn chờ đợi để con khám phá chúng. Để tìm hiểu và để đào sâu vào tận gốc rễ của vấn đề, để biết cách đặt ra những câu hỏi lớn và tìm kiếm câu trả lời cho nó.

Để không nhìn vấn đề hời hợt, để không vội vã lên tiếng về điều mình không thật sự biết. Để biết yêu thương những điều nhỏ nhặt giản dị nhưng lại ngập tràn ý nghĩa trong đời.

Bằng cấp chỉ là yếu tố phụ

Nhắc đến quyết định unschool cho con táo bạo này, mọi người vẫn luôn thắc mắc “Nếu con không đi học thì bằng cấp của con sẽ thế nào?”. Nhưng với tôi, bao nhiêu người đi học mà sử dụng tới bằng cấp để làm việc, kiếm sống?

Ở tuổi này, tôi nghĩ mục tiêu của giáo dục là trang bị kiến thức và năng lực. Để mỗi người có thể tự lo cho cuộc sống của mình tốt nhất có thể.

Trường học không phải là nơi duy nhất giúp chúng ta có được những điều đó. Điều tôi quan tâm là con mình có năng lực hay không. Có đủ tốt để lo được cho cuộc sống của con hay không.

Áp lực Unschool: vấn đề nằm ở tài chính

Làm một bà mẹ toàn thời gian, để ở nhà chăm sóc cho con, tôi luôn nhận được những câu hỏi liệu Unschool có gây ra cho mình nhiều áp lực, những áp lực đó là gì? Thật sự thì, tôi có áp lực, rất nhiều!

Bất cứ gia đình nào cũng phải đối mặt với vấn đề tài chính khi có con. Với gia đình tôi, việc làm một bà mẹ toàn thời gian áp lực tăng lên gấp nhiều lần. Bởi việc dành nhiều thời gian cho con đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải giảm thời gian làm việc. Tôi phải cắt giảm nhu cầu cá nhân và ưu tiên cho con nhiều hơn.

Uyên Bùi dạy con cách bảo vệ môi trường

Giờ đây khi nhìn lại 1 chặng đường cho con Unschool, tôi tự hào với những lựa chọn của mình. Từ khi Mật Ong biết nói, con đã luôn tự tin và bảo vệ chính kiến bản thân đến cùng. Chỉ khi con nhận ra quyết định của mình không “chuẩn”. Con sẽ chọn góc nhìn khác và tiếp tục bảo vệ lựa chọn đó đến cùng.

Vì vậy, chúng tôi luôn nhìn nhận con là một con người độc lập. Con cần được tôn trọng và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi đó, con mới có khả năng tự trưởng thành và trở thành người tử tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *